Đặc điểm trong văn hóa chào hỏi của người Nhật

Văn hóa chào hỏi của mỗi nước sẽ mang một đặc điểm riêng biệt, nhưng để cả thế giới phải ngạc nhiên, ngưỡng mộ thì nhất định phải kể đến văn hóa chào hỏi của người Nhật. Khi tiếp xúc với họ, bạn sẽ cảm nhận phong thái lịch sự, tôn trọng đối phương trong từng cử chỉ. Bài viết này sẽ giới thiệu những đặc điểm trong văn hóa chào hỏi của con người xứ Phù Tang.

Con người Nhật Bản không có kiểu giao tiếp xã giao như bắt tay, ôm hôn như phương Tây, bởi vì họ kiêng đụng chạm vào cơ thể của đối phương. Ở đây, người Nhật chào hỏi bằng cách cúi gập người. Và tùy thuộc vào địa vị, độ tuổi của đối phương mà họ gập người từ 15 độ đến 60 độ.

Dưới đây là những đặc điểm đáng chú ý trong văn hóa chào hỏi của người Nhật

Các kiểu chào hỏi phổ biến

Trong văn hóa chào hỏi, người Nhật có 3 kiểu chào hỏi phổ biến là: Esaku, Keirei và Saikeirei.

  1. Kiểu chào hỏi Esaku

Esaku hay còn được gọi là kiểu chào khẽ cúi đầu. Đây là kiểu chào được sử dụng khi đối phương có địa vị, tầng lớp và độ tuổi ngang bằng với bản thân. Kiểu cúi chào này mang tính nhẹ nhàng, lịch sự.

Esaku là kiểu chào được dùng phổ biến hàng ngày của người Nhật. Là kiểu chào đơn giản nhưng vẫn mang tính lịch sự, tôn trọng đối phương.

Để thực hiện kiểu chào Esaku, bạn hãy giữ cơ thể được thẳng, hai tay xuôi theo cơ thể và cúi gập người khoảng 15 độ trong 2 đến 3 giây là được.

  • Kiểu chào hỏi Keirei

Kiểu chào hỏi thứ hai chính là kiểu Keirei. Đây là kiểu chào được sử dụng khi đối phương có địa vị, tầng lớp cũng như độ tuổi cao hơn bản thân. Ngoài ra, khi gặp mặt đối tác làm việc, khách hàng, người Nhật cũng sử dụng kiểu chào hỏi này.

Cách chào hỏi cho kiểu Keirei cũng khá đơn giản, tương tự như kiểu chào Esaku, nhưng cơ thể lúc này cúi gập người sâu hơn từ 30 độ đến 35 độ và giữ trong khoảng 2 đến 3 giây. Nếu bạn đang trong tư thế ngồi trên sàn nhà mà muốn chào kiểu này thì hãy để hai tay úp trên sàn nhà và cách nhau từ 10 đến 20 cm. Sau đó cúi gập người làm sao khoảng cách từ mặt đất lên mặt từ 10 đến 15 cm.

  • Kiểu chào hỏi Saikeirei

Đây được xem là kiểu chào hỏi trang trọng nhất trong cách chào hỏi của người Nhật. Kiểu chào hỏi này chỉ sử dụng khi họ muốn thể hiện sự tôn kính, kính trọng đến các đấng linh thiên như Thần, Phật, Chúa,… cũng như đối với các bậc sinh thành như ông bà, cha, mẹ. Ngoài ra, kiểu này cũng được sử dụng khi người Nhật muốn thể hiện sự xin lỗi, biết ơn.

Với kiểu chào hỏi này, bạn hãy cúi gập người từ 45 độ đến 60 độ và giữ trong khoảng thời gian ít nhất là 3 giây. Bên cạnh đó, họ sẽ thực hiện song song với việc nói lời chào với đối phương, đôi khi lời chào sẽ được thực hiện trước sau đó mới đến hành động cúi chào.

Những lưu ý khi chào hỏi với người Nhật Bản

Việc lựa chọn kiểu chào hỏi như thế nào là phù hợp sẽ dựa vào độ tuổi, địa vị, tầng lớp của đối phương. Thế nhưng có một nguyên tắc bạn phải nhớ chính là người có địa vị thấp, ít tuổi hơn luôn luôn phải là người thực hiện cúi chào người có địa vị cao, lớn tuổi hơn.

Trong cách chào hỏi, nếu bạn là nam giới, hai tay bạn có thể để xuôi theo cơ thể khi cúi chào. Nhưng nếu bạn là phụ nữ, bạn nên để hai tay trước vạt áo theo hình chữ V, bàn tay phải đặt lên trên bàn tay trái khi cúi chào.

Ngoài ra, khi cúi chào, thời gian giữ càng lâu càng thể hiện thái độ tôn trọng với đối phương. Bạn cũng nên giữ thẳng phần lưng, đầu, cổ khi cúi chào.

Như vậy, bài viết đã giúp bạn biết được những đặc điểm phổ biến trong văn hóa chào hỏi của người Nhật. Việc nắm được những đặc điểm cơ bản sẽ giúp bạn biết cách thể hiện thái độ lịch sự của bản thân khi giao tiếp với đối tác, bạn bè người Nhật mà không để lại những ấn tượng xấu cho bản thân.


Posted

in

by

Tags:

Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *